Miễn phí vận chuyển với đơn hàng trên 499K trong nội thành HCM
Văn hóa - Lễ hội - Tin tức

Thưởng Trà - Thú vui tao nhã mùa Trung Thu

Thưởng Trà - Thú vui tao nhã mùa Trung Thu

1. Người Việt xưa đón Trung Thu

Không mâm cao cỗ đầy với bánh trái và đa dạng thức uống như ngày nay, người Việt xưa đón Trung thu với mâm cỗ trông trăng khá giản dị: vài chiếc bánh nướng, bánh dẻo và một ấm trà thơm. Nhưng có lẽ nhờ sự giản đơn ấy, người ta có thời gian đủng đỉnh cắn một miếng bánh, nhấp một ngụm trà để thả lòng vào những chiêm nghiệm sâu xa.

Vì sao người xưa lại chọn trà mà không phải thức uống nào khác để ăn cùng bánh Trung thu? Bàn về điều này, nhiều chuyên gia ẩm thực cho rằng nguyên nhân đến từ vị giác. Sau khi ăn một miếng bánh ngọt, vị giác người thưởng bánh dường như chưa được thỏa mãn. Chút đắng chát của trà ban đầu tưởng sẽ làm dịu đi vị ngọt của bánh nhưng thật ra trà có cái ngọt hậu.

Dư âm đó chính là điều đặc sắc giúp kéo dài vị thơm ngọt của bánh. Cũng bởi vậy, hiếm thức uống nào thay thế được trà trong nghệ thuật dùng bánh Trung thu.

Thói quen ăn bánh Trung thu đi kèm trà nóng đã trở thành nét văn hóa. Trong cái ngọt của bánh có vị đắng chát của trà. Trong sự thanh khiết của trà có sự cầu kỳ của bánh. Cũng như vậy, sự viên mãn ta mong cầu trong ngày rằm thực ra là tổng hòa của vị ngọt và trái đắng trong đời.

Ngày nay, dù có rất nhiều loại thức uống ra đời nhưng vào dịp Trung thu, nhiều người Việt vẫn chọn trà để tăng thêm dư vị cho mùa đoàn viên.

Không chỉ người già, lớp trẻ cũng đang dần tìm thấy những điều thú vị trong nét văn hóa xưa. Nếu đang tìm kiếm một trải nghiệm mới, đơn giản và thanh cao giữa đời sống bộn bề, Trung thu này, bạn trẻ hãy ngồi xuống cùng người thân nhấm nháp những giọt đắng chát tinh tế, kéo theo dư vị ngọt ngào hòa quyện của bánh và trà.

2. Đâu cần náp nhiệt mới vui

Nhắc đến người trẻ, số đông thường nghĩ về những đặc trưng như: thích xê dịch, thích cái mới, thích tốc độ. Bởi vậy, cái thú chơi đầy tính thong dong như “thưởng trà” khi ghép đôi với “giới trẻ” dường như trở thành cặp đũa lệch trong quan niệm nhiều người.

Mỗi dịp Trung thu, người trẻ thường có xu hướng du ngoạn phố phường để hòa vào không khí đông đúc, với âm thanh náo nhiệt và ánh sáng muôn màu từ đèn điện, đồ chơi, lồng đèn đời mới…

Háo hức check-in phố xá, hồ hởi cười nói cùng bạn bè, nhưng trong số hàng nghìn bạn trẻ đang đón trăng rằm ngoài kia, có bao nhiêu người nhớ rõ mỗi mùa Trung thu qua, trăng năm ấy tròn hay khuyết, mờ hay tỏ? Bị cuốn theo dòng người đông đúc, có bao nhiêu người ước “Biết vậy ở nhà hưởng thái bình bên người thân, bạn bè còn hơn chen lấn nóng nực ở đây”?

Hãy tận dụng cơ hội nghìn năm có một để tỷ tê kế hoạch tương lai, cùng ông, bố bàn chuyện đời bên tách trà thơm. Trung thu nhẹ nhàng vậy thôi nhưng có biết bao lý thú.

Có thể nói ăn bánh thưởng trà giờ đây đã trở thành một thú vui tao nhã của nhiều bạn trẻ. Giới trẻ vốn thích tìm kiếm và khám phá cái mới để cuộc sống thêm màu sắc. Thưởng trà, tuy là trải nghiệm có phần hoài cổ, nhưng lại giúp người trẻ một lần sống về những ngày xưa cũ.

Cái thú thưởng trà nghe qua những tưởng hài hòa nhưng lại hàm chứa khá nhiều mâu thuẫn. Ẩn trong từng cử chỉ thư thái khi nâng chén uống trà lại là những luân chuyển không hồi kết của suy nghĩ và chiêm nghiệm. Nhấp một ngụm trà, người trẻ như tìm được phút thảnh thơi giữa bộn bề công việc hay các mối quan hệ bạn bè, yêu đương.

Nhưng khi tâm hồn đã thư thái cũng là lúc người ta tự vấn lại lòng mình. Chỉ một chén trà ngon đã đủ lay động những sâu kín trong tâm hồn. Nhưng trong tiết trời mùa thu mát lành, trên cao là trăng sáng vằng vặc, cái lay động đó lại trở nên êm dịu đến độ thanh thản nhẹ như không. Người trẻ, đâu chỉ có những hoạt động bề nổi mà thiếu đi những lúc sâu sắc.

3. Thưởng trà với đủ giác quan

Khi thưởng trà bằng đầy đủ giác quan, lòng người bỗng cảm nhận được sự viên mãn. Uống trà đâu chỉ để nhấm nháp cái đắng chát hay dư vị ngọt hậu của riêng lá trà. Người ta uống trà còn để thưởng lãm cả sự tinh tế của bộ ấm chén pha trà.

Nhắc tới nghệ thuật thưởng trà, người xưa thường lưu truyền câu nói “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.

Theo đó, ngoài nước tinh khiết, trà ngon, để pha được một ấm trà hảo hạng còn cần đến “tam bôi, tứ bình”, ấy là chén và ấm pha trà. Uống trà, thưởng bánh không chỉ cần hương vị thơm ngon mà cần cả cảm quan thị giác. Những bộ ấm chén họa tiết tỉ mỉ sẽ là chất xúc tác giúp thăng hoa cảm xúc.

Các hoa văn được vẽ lên ấm chén trà thường lấy cảm hứng từ cây cỏ thiên nhiên. Trong đó, sen - quốc hoa của Việt Nam - là phổ biến hơn cả. Sen biểu tượng cho sự đức hạnh, thanh tịnh, cũng là loài hoa không thể thiếu trong văn hóa tâm linh và đời sống tinh thần người Việt. Truyền thống và hiện đại, nền nã và sang trọng, sen giống như một cô gái Việt Nam mang vẻ đẹp đồng nội phúc hậu.

Nếu say mê những bộ ấm chén được vẽ thủ công, bộ Sen màu sẽ khiến người yêu trà phải thốt lên trầm trồ. Các nghệ nhân tài hoa đã thổi hồn vào từng nét vẽ, chăm chút từng họa tiết nhỏ để tạo nên một tác phẩm không chỉ hoàn hảo về mặt kỹ thuật và mỹ thuật mà còn khơi gợi niềm đam mê thưởng trà của giới trẻ.

Thưởng trà bằng bộ Sen màu, những tâm hồn hoài niệm như tìm được nơi nương náu. Giữa dòng chảy hối hả ngoài kia, chỉ cần ngồi lại bên chiếc bàn gỗ mộc mạc, hương trà thơm cũng đủ làm ta thổn thức một nỗi niềm, rồi vương vấn không nguôi khi bắt gặp hình ảnh đóa sen thân thương nơi quê nhà.

Trung thu này, thay vì chen chúc giữa phố xá đông đúc đến mức chẳng kịp ngẩng đầu ngắm trăng khuyết tròn thế nào, sao không cùng cha mẹ, bè bạn quây quần bên mâm cỗ, ấm trà thể ôn cố tri tân? Thưởng thức một chén trà bên những người tri kỷ, cùng nhau cảm nhận những biến chuyển của đất trời. Sự viên mãn đâu cần tìm kiếm xa xôi.

Nguồn Giang Minh Nguyệt - Trương Luật | Zing News

← Bài trước Bài sau →